Theo đại diện startup này, sau 1 tháng hoạt động thử nghiệm, Lalamove đã thu hút được hơn 1.000 tài xế tham gia vào hệ thống, hoàn thành trên 1.800 đơn hàng. Bao gồm hơn 300 tài xế hoạt động đều đặn, 500 tài xế hoạt động bán thời gian.
Ra đời ở một thị trường sầm uất và cạnh tranh khốc liệt
Lalamove được khởi xướng tại HongKong, và ý tưởng đến từ một trung tâm hậu cần vận chuyển quen thuộc. HongKong được xem là một trong những thành phố sầm uất nhất trên thế giới, vì vậy, nhu cầu mua bán tại đây đã sản sinh ra một lượng thông tin khổng lồ.
Với mô hình giao hàng thông thường, tất cả các đơn hàng sẽ được ghi nhận, đưa về trung tâm phân phối, nơi hàng hóa được phân loại và phân phối đến từng khu vực trước khi được đưa đến tay người nhận.
Mô hình quản lý truyền thống thông qua một trung tâm phân phối đã không thể đáp ứng kịp thời và nhanh chóng. Với sự phát triển thần tốc của thương mại thông qua mạng xã hội và internet, Lalamove đã ra đời nhằm góp phần giải quyết sự nhanh chóng và kịp thời đó.
Tuy nhiên, ở một thiên đường cho những startup công nghệ mới, đặc biệt là những startup phục vụ thương mại điện tử như HongKong, cạnh tranh trong thị trường này là rất khắc nghiệt. Lalamove đã phải vượt qua nhiều đối thủ lớn để trở thành một trong những ứng dụng nhận được sự hoan nghênh và đầu tư từ nhiều “ông lớn” tại đây.
Và 100 triệu USD đầu tư trong series C lần này sẽ giúp Lalamove hiện thực hóa điều đó
Về cơ bản, Lalamove kết nối những người có nhu cầu vận chuyển với lực lượng giao hàng chuyên nghiệp và rộng khắp, có thể ngay lập tức đem sản phẩm đến tay người nhận mà không cần thông qua trung tâm vận chuyển và điều phối.
Do đó, Lalamove giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển, đồng thời cắt giảm chi phí dành cho người sử dụng.
“Lalamove đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là có thể trở thành ứng dụng giao hàng hàng đầu tại châu Á, và quả thật những thành quả đạt được nằm ngoài mong đợi của chúng tôi”, ông Shing Chow, người sáng lập kiêm CEO của Lalamove cho biết.
Theo ông Shing, việc phân phối thông tin thường chỉ mất vài giây, nhưng việc giao hàng thường chậm hơn rất nhiều. Lalamove muốn thay đổi điều đó.
Hiện tại, với kế hoạch phát triển mạnh tại Trung Quốc và Đông Nam Á, Lalamove đã nhận được gói đầu tư Series C, trị giá trên 100 triệu USD.
“Chúng tôi muốn việc phân phối hàng hóa được tính bằng phút chứ không phải tính ngày. Thời gian giao hàng trung bình của Lalamove đang ở mức 46 phút, và chúng tôi muốn con số này thấp hơn nữa”, ông Shing Chow chia sẻ thêm.
Trước mắt là ở các thành phố như Singapore, Bangkok, Manila, Đài Loan và mới đây là TP.HCM.
Sau một tháng thử nghiệm tại khu vực TP. HCM, dịch vụ giao hàng nhanh Lalamove đã chính thức ra mắt.
Theo đại diện startup này, sau 1 tháng hoạt động thử nghiệm, Lalamove đã thu hút được hơn 1.000 tài xế tham gia vào hệ thống, hoàn thành trên 1.800 đơn hàng. Bao gồm hơn 300 tài xế hoạt động đều đặn, 500 tài xế hoạt động bán thời gian.
Tính trung bình, một đơn hàng trong bán kính 5km sẽ được Lalamove đáp ứng dưới 40 phút, và dưới 1h với các đơn hàng trong bán kính 8km.
Trong khi đó, ở các thành phố đã phát triển dịch vụ, Lalamove chỉ cần 10 giây để tìm ra tài xế vận chuyển phù hợp, và chỉ 5 phút để sắp xếp chuyến giao hàng cho người dùng. Các chuyến giao hàng đều không cần quá nhiều thời gian, và đều kết thúc trong ngày. Đây là sự khác biệt lớn nhất mà Lalamove hướng đến người dùng.
Tính đến tháng 7/2017, Lalamove đạt cột mốc quan trọng khi cung cấp dịch vụ tại 100 thành phố lớn, 26 triệu người dùng đã tải ứng dụng, trong đó 15 triệu người dùng ứng dụng thường xuyên để giao nhận hàng.
Được sự hỗ trợ của hơn 2 triệu tài xế ở Đông Nam Á và Trung Quốc nói chung, riêng khu vực Đông Nam Á là trên 100.000 tài xế, Lalamove đang chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ tại một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn thế giới.