Đa phần các trường hợp khi ký Hợp đồng lao động, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với bạn theo số gộp (Gross). Điều này có nghĩa là bạn sẽ nhận được khoản thu nhập thuần (Net Take Home) sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân.
Bài này sẽ cung cấp những thông tin sơ lược giúp bạn hiểu cách tính các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cách tính thuế thu nhập cá nhân sau khi trừ đi các khoản giảm trừ.
Doanh nghiệp có quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân?
Mức lương gộp có nghĩa là chi phí thuế thu nhập cá nhân là bạn chịu chứ không phải của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nhìn chung sẽ không quan tâm đến mức thuế mà bạn phải chịu.
Điều họ quan tâm duy nhất là làm sao để tính thuế cho đúng, vì doanh nghiệp chi trả thu nhập phải khấu trừ, kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.
Việc tính thuế cá nhân không phải là một công việc phức tạp. Hàng tháng doanh nghiệp tính thuế và đến cuối năm sẽ quyết toán thuế một lần.
Nếu sai sót có xảy ra thì doanh nghiệp vẫn luôn có cơ hội sửa chữa vào cuối năm tài chính. Ở bất kỳ một doanh nghiệp nào, thường sẽ có ít nhất một vài người tìm hiểu về cách tính thuế thu nhập cá nhân. Họ giống như những cỗ máy giám sát và phản hồi cho kế toán/nhân sự nếu việc tính sai xảy ra.
Nhờ đó mà vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân thường là vấn đề ít khi xảy ra sai sót. Nhưng nếu xảy ra sai sót thì đó sẽ là những sai sót mang tính hệ thống vì phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân (PIT) trên file Excel (dùng chung một công thức để tính PIT cho tất cả nhân viên).
Doanh nghiệp luôn tìm cách hạ mức lương đóng bảo hiểm
Khác với thuế thu nhập cá nhân, khi trả lương gộp thì một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp vẫn phải do doanh nghiệp đóng. Mức hiện tại của năm 2016 là như sau:
Mức đóng Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Y Tế, Bảo Hiểm Thất Nghiệp 2016
| BHXH | HBYT | BHTN | Tổng |
---|---|---|---|---|
Nhân viên | 8% | 1.5% | 1% | 10.5% |
Công Ty | 18% | 3% | 1% | 22% |
Các khoản bảo hiểm này tính trên mức lương gộp và sẽ được trừ ra khỏi lương của bạn trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Khoản 10.5% là phần bạn phải chịu; phần còn lại 22% là doanh nghiệp phải chi trả và khoản này không nằm trong mức lương của bạn.
Tuy nhiên, quy định đóng bảo hiểm ở thời điểm hiện tại chỉ yêu cầu tính các khoản bảo hiểm dựa trên những khoản lương và phụ cấp có qui định trong hợp đồng lao động.
Như vậy, các khoản không quy định trong Hợp đồng lao động sẽ không phải bao gồm vào để tính SI, HI, UI (Social Insurance, Health Insurance, Unemployment Insurance). Doanh nghiệp lách luật này bằng nhiều cách khác nhau nhưng có hai cách phổ biến:
- Ký HĐ lao động với nhân viên, trong đó có đề cập mức lương đóng bảo hiểm. Các phần còn lại được tách ra làm nhiều loại phụ cấp khác nhau để không phải tính bảo hiểm (Trước năm 2016)
- Ký hợp đồng lao động nhưng không bao gồm các khoản chi phí thưởng năng suất, thưởng tháng, thưởng quí vào hợp đồng. Nhờ đó mức đóng bảo hiểm thấp đi, các khoản thưởng hàng tháng chi trả sẽ không chịu bảo hiểm. (Cách này vẫn dùng được sau 31/12/2015).
Việc làm này về bản chất là không có lợi cho người lao động. Mức đóng bảo hiểm thấp thì khi bạn thất nghiệp, bạn cũng sẽ được hưởng rất ít trợ cấp (bảo hiểm) thất nghiệp.
Từ 2018, phạm vi các khoản thu nhập phải tính SI, HI, UI sẽ được mở rộng hơn bao gồm lương, phụ cấp và cả các khoản phúc lợi khác (chưa có định nghĩa đầy đủ các khoản phúc lợi khác ở thời điểm này). Xu hướng là các cơ quan nhà nước đang ngày càng cố gắng tận thu từ người lao động và doanh nghiệp. (Xem thêm ở đây).
Nguyên tắc tính thuế thu nhập cá nhân
Một số hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn hiểu về các nguyên tắc để tính thuế thu nhập cá nhân. Nắm được những nguyên tắc quan trọng hơn việc học thuộc các công thức vì quy định về thuế thu nhập cá nhân có thể thay đổi qua các năm, nhưng các nguyên tắc thì rất lâu mới đổi.
Bước 1: Xác định cá nhân cư trú hay không?
Hầu hết các cá nhân Việt Nam đều là cá nhân cư trú. Việc xác định cá nhân cư trú được dựa trên những tiêu chí sau:
- Sinh sống, làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong 1 năm/trong 12 tháng liên tục; hoặc
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (bao gồm có nơi ở được đăng ký trên thẻ thường trú /tạm trú đối với người nước ngoài); hoặc
- Có hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày ở Việt Nam;
Khi đó, bạn sẽ phải chi trả thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập toàn cầu. Nghĩa là tất cả các nguồn thu nhập của bạn dù phát sinh ở ngoài Việt Nam cũng phải chịu thuế bình thường.
Tuy nhiên, việc có kê khai đầy đủ hay không và tính hiệu quả của các chính sách để xác minh, truy thu thuế lại là chuyện khác.
Bước 2: Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Xác định xong việc bạn là cá nhân cư trú thì gần như tất cả các khoản thu nhập của bạn sẽ phải chịu thuế. Các khoản thu nhập này bao gồm thu nhập đến từ tiền công/tiền lương (trừ một số khoản đặc biệt); Thu nhập ngoài tiền lương, tiền công;
Danh mục các khoản thu nhập được loại trừ khá giới hạn và với đa phần mọi người sẽ không có những khoản thu nhập được loại trừ này. Nếu bạn băn khoăn là liệu khoản thu nhập của mình có được loại trừ hay không thì hãy xem danh mục chi tiết của Thông tư thuế TNCN (Hiện tại là Thông Tư 111/2013/TT-BTC)
Bước 3: Các khoản được trừ trước khi tính thuế
Trước khi tính thuế, khoản thu nhập của bạn sẽ được trừ đi các khoản được giảm trừ. Các khoản giảm trừ này bao gồm:
- Các khoản bảo hiểm đã tính ở trên (BHXH, BHYT, BHTN)
- Bảo hiểm đóng theo các chương trình hưu trí tự nguyện
- Từ thiện vào các tổ chức được phê duyệt
- Giảm trừ cá nhân (9 triệu VND) và người phụ thuộc (3,6 triệu/người).
Bước 4: Tính thuế thu nhập cá nhân
Sau khi được giảm trừ thì các khoản còn lại được gọi là thu nhập dùng để tính thuế. Biểu thuế suất lũy tiến sẽ được tính trên phần thu nhập tính thuế từ tiền lương tiền công.
Cách áp dụng biểu thuế lũy tiến này là chia phần thu nhập tính thuế của bạn ra các phần khác nhau từ thấp đến cao. Mỗi phần sẽ nhân với mức thuế suất tương ứng. Cuối cùng bạn cộng toàn bộ phần thuế lại sẽ ra số thuế Thu nhập cá nhân phải nộp.
Với các khoản thu nhập không có tính chất tiền lương tiền công thì sẽ có cách tính thuế riêng và hầu hết sẽ tính theo tỷ lệ % của thu nhập. Ví dụ:
- Thu nhập từ kinh doanh: 0.5 – 5% tùy loại hình
- Tiền lãi, cổ tức (trừ lãi ngân hàng): 5%
- Bán cổ phiếu: 0.1% giá bán
- Chuyển nhượng vốn: 20% lợi nhuận
- Chuyển nhượng bất động sản: 2% giá bán…
Quyết toán thuế TNCN
Hàng năm, cá nhân có trách nhiệm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong vòng 90 ngày từ khi kết thúc năm tính thuế (31/3 hàng năm). Còn các khoản thu nhập khác phát sinh bất thường thì phải kê khai, nộp thuế khi phát sinh.
Nếu hàng năm doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập cá nhân giúp bạn thì bạn sẽ không phải thực hiện việc này. Tuy nhiên, trách nhiệm và nghĩa vụ thì việc quyết toán này là của cá nhân.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn có một cái nhìn sơ lược về thuế thu nhập cá nhân và những nguyên tắc tính toán các khoản thu nhập chịu thuế cũng như thuế suất.