Báo cáo tài chính giữa năm và niên độ của các doanh nghiệp.
Các nội dung cần báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
§ Tài sản.
§ Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
§ Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác.
§ Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh.
§ Thuế và các khoản nộp Nhà nước.
§ Tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán.
§ Các luồng tiền.
Các doanh nghiệp còn phải cung cấp đầy đủ các thông tin khác trong “Bản thuyết minh báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính.
Trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp
§ Tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính năm.
§ Các công ty, Tổng công ty có các đơn vị kế toán trực thuộc, ngoài việc phải lập báo cáo tài chính năm của công ty, Tổng công ty còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trực thuộc công ty, Tổng công ty.
§ Đối với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ.
§ Các doanh nghiệp khác nếu tự nguyện lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược.
§ Đối với Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có các đơn vị kế toán trực thuộc còn phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.
§ Công ty mẹ và tập đoàn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ và báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm theo quy định tại Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ. Ngoài ra còn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất sau khi hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 11 “Hợp nhất kinh doanh”.
Các đối tượng áp dụng báo cáo tài chính giữa năm và niên độ
Hệ thống báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý) được áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp khác khi tự nguyện lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
§ Áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế.
§ Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tuân thủ các quy định chung tại phần này và những qui định, hướng dẫn cụ thể phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.
§ Việc lập và trình bày báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự được quy định bổ sung ở Chuẩn mực kế toán số 22 “Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự” và các văn bản quy định cụ thể.
§ Việc lập và trình bày báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thù tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.
§ Công ty mẹ và tập đoàn lập báo cáo tài chính hợp nhất phải tuân thủ quy định tại chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”.
§ Các đơn vị kế toán trực thuộc hoặc Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo mô hình không có công ty con phải lập báo cáo tài chính tổng hợp theo quy định tại Thông tư hướng dẫn kế toán thực hiện Chuẩn mực kế toán số 25“Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”.
Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Hệ thống báo cáo tài chính gồm báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính giữa niên độ.
Báo cáo tài chính năm
Báo cáo tài chính năm, gồm:
– Bảng cân đối kế toán | Mẫu số B 01 – DN |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh | Mẫu số B 02 – DN |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ | Mẫu số B 03 – DN |
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính | Mẫu số B 09 – DN |
Báo cáo tài chính giữa niên độ
Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ và báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược.
(1) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (dạng đầy đủ): | Mẫu số B 01a – DN; |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (dạng đầy đủ): | Mẫu số B 02a – DN; |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (dạng đầy đủ): | Mẫu số B 03a – DN; |
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc: | Mẫu số B 09a – DN. |
(2) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (dạng tóm lược): | Mẫu số B 01b – DN; |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (dạng tóm lược): | Mẫu số B 02b – DN; |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (dạng tóm lược): | Mẫu số B 03b – DN; |
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc: | Mẫu số B 09a – DN. |
Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính
Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải tuân thủ sáu (06) nguyên tắc quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 – “Trình bày báo cáo tài chính”:Hoạt động liên tục, cơ sở dồn tích, nhất quán, trọng yếu, tập hợp, bù trừ và có thể so sánh.
Việc thuyết minh báo cáo tài chính phải căn cứ vào yêu cầu trình bày thông tin quy định trong các chuẩn mực kế toán. Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp
Báo cáo tài chính hợp nhất và tổng hợp
Báo cáo tài chính hợp nhất
Công ty mẹ và tập đoàn là đơn vị có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính hợp nhất để tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm lập báo cáo tài chính; tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo của đơn vị.
Hệ thống Báo cáo tài chính hợp nhất gồm 4 biểu mẫu báo cáo:
– Bảng cân đối kế toán hợp nhất | Mẫu số B 01 – DN/HN | |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất | Mẫu số B 02 – DN/HN | |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất | Mẫu số B 03 – DN/HN | |
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất | Mẫu số B 09 – DN/HN |
Nội dung, phương pháp tính toán, hình thức trình bày, thời hạn lập, nộp, và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư Hướng dẫn Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày Báo cáo tài chính” và Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con” và Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán số 11 “Hợp nhất kinh doanh”.
Báo cáo tài chính tổng hợp
Các đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc hoặc Tổng công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo mô hình không có công ty con, phải lập Báo cáo tài chính tổng hợp, để tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm lập báo cáo tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo của toàn đơn vị
Hệ thống báo cáo tài chính tổng hợp gồm 4 biểu mẫu báo cáo:
– Bảng cân đối kế toán tổng hợp | Mẫu số B 01-DN | |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp | Mẫu số B 02-DN | |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tổng hợp | Mẫu số B 03-DN | |
– Bản thuyết minh báo cáo tài chính tổng hợp | Mẫu số B 09-DN |
Nội dung, hình thức trình bày, thời hạn lập, nộp, và công khai Báo cáo tài chính tổng hợp thực hiện theo quy định tại Thông tư Hướng dẫn chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày Báo cáo tài chính” và Chuẩn mực kế toán số 25 “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”.
Đối với công ty mẹ và tập đoàn vừa phải lập báo cáo tài chính tổng hợp, vừa phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì phải lập báo cáo tài chính tổng hợp trước (Tổng hợp theo loại hình hoạt động: Sản xuất, kinh doanh; đầu tư XDCB hoặc sự nghiệp) sau đó mới lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất giữa các loại hình hoạt động.
Trong khi lập báo cáo tài chính tổng hợp giữa các đơn vị SXKD đã có thể phải thực hiện các quy định về hợp nhất báo cáo tài chính. Các đơn vị vừa phải lập báo cáo tài chính tổng hợp vừa phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì phải tuân thủ cả các quy định về lập báo cáo tài chính tổng hợp và các quy định về lập báo cáo tài chính hợp nhất.